Trong Đông Chu liệt quốc Tây Thi

Đông Chu liệt quốc chí, cũng gọi Đông Chu liệt quốc, là tiểu thuyết dã sử gồm 108 hồi được Thái Nguyên Phóng thời nhà Thanh cải biên từ Tân liệt quốc chí khoảng trên 700.000 chữ của Phùng Mộng Long thời nhà Minh. Bản thân Tân liệt quốc chí lại được cải biên và viết thêm từ bộ Liệt quốc chí truyện khoảng 280.000 chữ do Dư Thiệu Ngư viết ra khoảng thời Gia Tĩnh.

Trong Đông Chu liệt quốc, câu chuyện về Tây Thi về cơ bản vẫn rất giống truyền thuyết dân gian cùng ghi chép từ Ngô Việt xuân thu đời Đông Hán, Tây Thi cùng với Trịnh Đán được Câu Tiễn tuyển chọn là sau khi Câu Tiễn đã được thả về nước Việt. Một trích đoạn giới thiệu về Tây Thi trong Đông Chu liệt quốc, mà nàng xuất hiện ở hồi thứ 81, mang tên "Tây Thi làm mê hoặc vua Ngô, Tử Cống đi du thuyết các nước".

Vua Việt là Câu Tiễn đang muống tìm mỹ nữ trong nước để dâng vua Ngô là Phù Sai. Văn Chủng hiến kế rằng:- Xin chúa công phái một trăm nội thị đi lẫn với bọn thầy tướng, giả cách đi xem tướng khắp trong nước, thấy mỹ nữ thì biên lấy tên và chỗ ở. Dùng cách ấy mà chọn thì lo gì không có người!

Câu Tiễn theo kế ấy, mới trong nửa năm, mà đã tuyển được hai nghìn mỹ nữ . Câu Tiễn sai chọn lại, được hai người đẹp nhất, truyền vẽ tranh để định đem dâng Phù Sai . Hai người ấy là Tây Thì và Trịnh Đán. Tây Thi là con một người kiếm củi ở núi Trữ La. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi. Trịnh Đán cũng ở Tây thôn, láng giềng với Tây Thi. Nhà lại gần sông, má hồng mặt hoa, ánh rọi vào nhau chẳng khác gì hai đóa phù dung trên mặt nhánh. Câu Tiễn sai Phạm Lãi đem một trăm nén vàng đến đón về, cho mặc đồ the lụa, ngồi xe có màn phủ. Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muống xem mặt tranh nhau ra ngoài cõi để đón, đường xá chật ních. Phạm Lãi để Tây Thi và Trịnh Đán ở quãn xá rồi truyền dụ rằng ai muốn xem mặt mỹ nữ, phải nộp một đồng tiền. Chỉ trong một lúc mà tiền bỏ đầy qũi. Hai mỹ nữ trèo lên trên lầu, đứng tựa vào bao lan, ở dưới trông lên, khác nào tiên nữ đứng trên không. Tây Thi và Trịnh Đán ở lại ngoài thành ba ngày, tiền thu được không biết bao nhiêu mà kể, đều nộp vào kho cả.

Câu Tiễn cho hai mỹ nữ ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một nhạc sư già dạy cho hát múa, khi nào thành nghề, sẽ đem sang tiến Phù Sai.

— Trích đoạn trong Đông Chu liệt quốc

Một trích đoạn trong Đông Chu liệt quốc kể về sự sủng ái của Phù Sai dành cho Tây Thi.

Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, hơn một năm thì chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng. Chuyện này sau sẽ kể tiếp, bây giờ hãy nói Phù Sai yêu Tây Thi, sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang.

Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp? Từ Điệp nghĩa là chiếc guốc. Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy rất nhiều chum, bên trên lát ván, để Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp. Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi. Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gẩy đàn ở đấy.

Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Nay vẫn còn một dãi nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa. Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen. Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ Nam sang Bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình. Phía Nam của Đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn. Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu.

Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm, ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, đặt tên Tiên hạ loan. Phù Sai từ khi được Tây Thi, cứ ở luôn luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch, chẳng thiết đến việc gì cả . Chỉ có quan thái tể là Bá Hi và Vương Tôn Hùng thường hay hầu ở bên cạnh . Mỗi khi Ngũ Viên xin yết kiến, Phù Sai vẫn từ chối không cho vào.

— Trích đoạn trong Đông Chu liệt quốc

Trong Đông Chu liệt quốc cũng dựa theo thuyết Tây Thi bị đẩy xuống nước ngộp chết, mà không phải cùng Phạm Lãi sống ngao du ở Tây Hồ. Sau khi giết được Phù Sai, Câu Tiễn cùng Tây Thi về nước, Câu Tiễn phu nhân thấy vậy thì ghen, bèn sai người buộc đá thả Tây Thi xuống sông, người đời sau không biết cho là Tây Thi đi theo Phạm Lãi. Trong sách có lời bình rằng:

Mấy hôm sau, Câu Tiễn rút quân về Việt, đem cả Tây Thi về . Câu Tiễn phu nhân mật sai người bắt Tây Thi đem ra bờ sông, buộc viên đá lớn vào, rồi đẩy xuống sông mà bảo rằng:- Nó là cái vật vong quốc, còn để làm gì!

Người sau không rõ chuyện ấy, ngoa truyền là Phạm Lãi đem Tây Thi đi Ngũ Hồ, mới có hai câu thơ rằng: ["Đem Tây Thi đi là có ý, sợ còn nghiêng nước hại quân vương!"]. Xét ra thì Phạm Lãi đi có một mình, đến vợ con cũng còn bỏ lại, huống chi là Tây Thi, lại có người nói Phạm Lãi mê Tây Thi, mới lập ra cái kế đem đẩy xuống sông, đó cũng là nói lầm . La Ôn có thơ minh oan cho Tây Thi rằng:

Nước nhà còn mất bởi cơ trời,Sao cứ Tây Thi đổ lỗi hòài?Tây Tử nếu làm Ngô mất nước,Thì xưa Việt mất bởi tay ai?
— Đoạn kết về Tây Thi trong Đông chu liệt quốc